Hust.edu.vn - Trường Đại học Bách khoa Hà Nội là trường đại học đa ngành về kỹ thuật

Hust.edu.vn - Trường Đại học Bách khoa Hà Nội là trường đại học đa ngành về kỹ thuật

Trường Đại học Bách khoa Hà Nội là trường đại học đa ngành về kỹ thuật được thành lập ngày 15 tháng 10 năm 1956. Trường luôn là một trong những trường đại học kỹ thuật hàng đầu của nền giáo dục Việt Nam.
07/04/2022
455 Lượt xem

Giới thiệu

Trường Đại học Bách khoa Hà Nội là trường đại học đa ngành về kỹ thuật được thành lập ngày 15 tháng 10 năm 1956. Trường luôn là một trong những trường đại học kỹ thuật hàng đầu của nền giáo dục Việt Nam. Với nhiều đóng góp cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Trường đã được Đảng và Nhà nước tặng nhiều danh hiệu và phần thưởng quý giá cho các cá nhân và tập thể Trường.

Tên tiếng Việt: Trường Đại học Bách khoa Hà Nội

Tên tiếng Anh: Hanoi University of Science and Technology

Địa chỉ: Số 01, Đại Cồ Việt, Hai Bà Trưng, Hà Nội

Cơ sở vật chất:

    Khuôn viên Trường có tổng diện tích 26 ha (lớn nhất trong các trường đại học khu vực nội thành Hà Nội)

    Thư viện điện tử Tạ Quang Bửu với diện tích 37.000 m2, có thể phục vụ đồng thời 2.000 sinh viên với 600.000 cuốn sách, 130.000 đầu sách điện tử. Sinh viên được  truy cập miễn phí  CSDL từ các nguồn như Science Driect, Scopus…
    Hệ thống 400 phòng học và phòng thí nghiệm, trong đó có 12 phòng thí nghiệm trọng điểm và đầu tư tập trung, phục vụ hiệu quả công tác đào tạo và nghiên cứu.
    Toàn bộ giảng đường được trang bị đầy đủ điều hòa và thiết bị giảng dạy cùng với hệ thống wifi miễn phí trong khuôn viên Trường.
    Trung tâm ký túc xá khang trang đáp ứng nhu cầu lưu trú của gần 4.500 sinh viên.
    Khu liên hợp thể thao có diện tích 20.000 m2 với hệ thống cơ sở vật chất hiện đại, bao gồm: sân bóng, bể bơi, sân tennis tiêu chuẩn quốc gia và nhà thi đấu đa năng tiêu chuẩn Đông Nam Á.
    Trung tâm Y tế hoạt động theo mô hình phòng khám đa khoa chăm sóc sức khỏe thường xuyên cho các cán bộ và sinh viên Trường.

Tổng quan

Trường Đại học Bách khoa Hà Nội (tên tiếng Anh Hanoi University of Science and Technology – viết tắt HUST) được thành lập theo Nghị định số 147/NĐ ngày 6-3-1956 do Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên ký. Đây là trường đại học kỹ thuật đầu tiên của nước ta có nhiệm vụ đào tạo kỹ sư công nghiệp cho công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam; là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học và công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực; kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo với nghiên cứu khoa học nhằm tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và bồi dưỡng nhân tài khoa học, công nghệ; định hướng phát triển thành đại học nghiên cứu ngang tầm với các đại học có uy tín trong khu vực và trên thế giới.

Địa điểm trường và cơ sở vật chất kỹ thuật ban đầu

Sau hơn 2 tháng tìm kiếm, lựa chọn, Đông Dương học xá chính thức được chọn làm địa điểm xây dựng trường ĐHBK Hà Nội. Cơ sở này nguyên là ký túc xá của sinh viên 3 nước Đông Dương được xây dựng từ năm 1938, sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, đổi tên thành Việt Nam học xá. Khi tái chiếm Hà Nội, thực dân Pháp biến Việt Nam học xá thành trại lính, trại giam và gọi là "Bốt Đông Dương học xá". Bốt này, sau khi chính quyền cách mạng tiếp quản Thủ đô, bộ đội ta đã rà phá mìn, dỡ hết dây thép gai và bàn giao lại cho Bộ Giáo dục.

Quy mô mặt bằng khi đó cũng chỉ được xác định đại thể là lấy khu nội trú Đông Dương học xá làm trung tâm rồi phát triển mở rộng ra vùng đất trống trong khu vực bao quanh bởi 4 đường Bạch Mai (phía Đông), Đại Cồ Việt (phía Bắc), Nam Bộ cũ - tức Giải phóng ngày nay (phía Tây) và Đại La (phía Nam).

Đồng thời với việc gấp rút tập trung cải tạo, sửa sang và trang bị cho các nhà đã có để biến chúng thành hội trường, lớp học, phòng thí nghiệm, xưởng thực tập, Tổ công tác còn chỉ đạo xây dựng hội trường lớn hình con ốc có sức chứa 2000 người phục vụ các nghi lễ, hội họp, sinh hoạt chính trị, văn hoá của Trường. Tháng 8 năm 1956 Trường còn hoàn thành thêm một số dãy nhà cấp 4 tăng cường cho lớp học, phòng thí nghiệm, phòng làm việc. Ngoài ra, còn chuẩn bị chỗ ăn, ở cho gần 300 cán bộ công nhân viên và ký túc xá cho gần 800 sinh viên nội trú khoá 1.

Hình thành bộ máy quản lý hành chính và đội ngũ cán bộ giảng dạy, phục vụ giảng dạy

Cũng như các trường đại học mới thành lập, trường ĐHBK Hà Nội được Nhà nước ưu tiên bố trí những nhà trí thức có uy tín về lãnh đạo nhà trường. Giám đốc đầu tiên của trường ĐHBK Hà Nội là kỹ sư Trần Đại Nghĩa, sau này trở thành giáo sư, viện sỹ. Cuối năm 1956, thầy Tạ Quang Bửu giữ trọng trách Giám đốc và lãnh đạo Nhà trường cho đến năm 1960.

Đội ngũ cán bộ quản lý được xây dựng gấp rút từ nhiều nguồn. Cán bộ phụ trách công tác tổ chức phần lớn là anh em bộ đội chuyển ngành. Khối hành chính quản trị được chọn lọc từ số cán bộ miền Nam tập kết. Ngoài ra, Trường còn được tăng cường thêm một số cán bộ công nhân viên từ các cơ quan Trung ương và Hà Nội.

Đội ngũ cán bộ giảng dạy được hình thành bởi những cán bộ kỹ thuật có kinh nghiệm và những công nhân có tay nghề cao. Lực lượng này sau đó được bổ sung thêm những sinh viên tốt nghiệp, chủ yếu từ các trường trung cấp kỹ thuật. Nhà trường còn tự tổ chức đào tạo tại chỗ nhiều lớp công nhân Cơ khí, Điện, Vô tuyến điện, Hoá-Thực phẩm...

Mặc dù công tác chuẩn bị tiến hành trong thời gian gấp rút (chỉ 5 đến 6 tháng), nhưng đến ngày khai giảng, bộ máy quản lý, điều hành, giảng dạy, phục vụ giảng dạy đã được hình thành tương đối đồng bộ gồm gần 300 người.

Một sự kiện quan trọng, ngày 20 tháng 8 năm 1956 Đảng uỷ Giáo dục đã ra Quyết định số 967/ĐBGD thành lập Chi bộ lâm thời Đại học Bách khoa và chỉ định đồng chí Lê Cấp làm Bí thư.

Nhiệm vụ cơ bản của Chi bộ lâm thời là nhanh chóng tập hợp số đảng viên mới về trường, phát huy tác dụng tiền phong gương mẫu, làm nòng cốt trong việc phấn đấu thực hiện các nhiệm vụ công tác, góp phần quan trọng trong việc chuẩn bị thành lập Trường, đồng thời chuẩn bị cho việc thành lập tổ chức Đảng chính thức của Trường.

Các tổ chức quần chúng như Công đoàn, Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ cũng được nhanh chóng hình thành nhằm đẩy mạnh các sinh hoạt tập thể, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ công nhân viên.

Xây dựng mục tiêu, nội dung, chương trình đào tạo

Dưới sự giúp đỡ chuyên gia Liên Xô Trifônốp (sau này là Tổng chuyên gia), từ tháng 4 đến tháng 7 năm 1956 Tổ trưởng Hoàng Xuân Tuỳ được Chính phủ cử sang Liên Xô nghiên cứu, học tập kinh nghiệm đào tạo, tổ chức và quản lý, đồng thời đặt vấn đề nhờ Liên Xô giúp đỡ xây dựng khu trường mới ngày nay.

Trong thời gian công tác tại nước bạn, Tổ trưởng Hoàng Xuân Tuỳ đã đến thăm và làm việc tại một số trường đại học có bề dày truyền thống ở Matxcơva như đại học Năng lượng, đại học Hoá Menđêlêep, đại học Xây dựng và ở các thành phố khác như đại học Bách Khoa Lêningrat...

Trong khi đó, tại Trường, các cán bộ của chúng ta cùng chuyên gia Liên Xô, một mặt tiếp tục xây dựng cơ sở vật chất, tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ, mặt khác nghiên cứu cơ cấu ngành nghề đào tạo, các khoa, các bộ môn và chuẩn bị nội dung, chương trình đào tạo dựa trên các tài liệu nước ngoài chủ yếu là của Liên Xô và Trung Quốc.

Với tinh thần làm việc tập thể, hăng say quên mình kết hợp với phương thức vừa làm vừa học, vừa rút kinh nghiệm đã giúp đội ngũ cán bộ quản lý và cán bộ giảng dạy còn non trẻ về nghiệp vụ, chuyên môn, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ "khai sơn, phá thạch", đặt nền tảng vững chắc cho sự nghiệp đào tạo cán bộ kỹ thuật có trình độ đại học ở nước ta.

Đào tạo

Mô hình và chương trình đào tạo hệ đại học chính quy

Mô hình đào tạo của Trường được xây dựng theo 2 định hướng:

1. Cử nhân-thạc sĩ khoa học: chương trình tích hợp với các mục đích:   

    Đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao, năng lực nghiên cứu, đổi mới sáng tạo trong khoa học công nghệ, phù hợp với mục tiêu phát triển Trường thành một đại học nghiên cứu có đẳng cấp trong khu vực và thế giới;
    Phù hợp với các quy định của luật Giáo dục đại học hiện hành về chương trình đào tạo và văn bằng tốt nghiệp;
    Đảm bảo tính thực tiễn và tính hiện đại theo các chuẩn mực quốc tế;
    Đảm bảo tính tích hợp, thống nhất, liên tục của chương trình giữa bậc đào tạo cử nhân và thạc sĩ.

2. Cử nhân – kỹ sư: chương trình tích hợp với các mục đích:

    Nâng cao chất lượng của các chương trình đào tạo kỹ sư truyền thống của Trường ĐHBK Hà Nội (chương trình đang được áp dụng từ các khóa tuyển sinh năm 2019 trở về trước).
    Nội dung và cấu trúc tương đồng với chương trình kỹ sư của hầu hết các trường đại học kỹ thuật tại các nước phát triển.
    Đảm bảo mục tiêu đào tạo trình độ đào tạo kỹ sư theo hướng nghề nghiệp chuyên sâu, kết hợp hài hòa giữa kiến thức hiện đại và các kỹ năng cốt lõi; đảm bảo tính tích hợp, liên thông giữa các trình độ đào tạo cử nhân và kỹ;
    Phù hợp với các quy định của luật Giáo dục đại học hiện hành về chương trình đào tạo và văn bằng tốt nghiệp;
    Đảm bảo tính thực tiễn và tính hiện đại theo các chuẩn mực quốc tế;
    Đảm bảo nội dung giảng dạy chuyên môn và đào tạo trải nghiệm để hình thành các kỹ năng cần thiết, giúp người học tạo dựng và cải thiện năng lực nghề nghiệp theo một lộ trình học tập phù hợp.

Các ngành/chương trình đào tạo

1. Nhóm ngành Kỹ thuật cơ khí, Cơ khí động lực, Hàng không, Chế tạo máy

Kỹ thuật Cơ điện tử

Kỹ thuật Cơ khí

Kỹ thuật Ô tô

Kỹ thuật Cơ khí động lực

Kỹ thuật Hàng không

Cơ khí hàng không (chương trình Việt Pháp PFIEV)

Chương trình tiên tiến Cơ điện tử

Chương trình tiên tiến Kỹ thuật Ô tô

2. Nhóm ngành Kỹ thuật Điện, Điện tử, Công nghệ thông tin, Khoa học máy tính, Hệ thống thông tin quản lý

Kỹ thuật Điện

Kỹ thuật Điều khiển - Tự động hóa

Chương trình tiên tiến Điều khiển-Tự động hóa và Hệ thống điện

Tin học công nghiệp và Tự động hoá (Chương trình Việt Pháp PFIEV)

Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông

Chương trình tiên tiến Điện tử - Viễn thông

Chương trình tiên tiến Kỹ thuật Y sinh

Chương trình tiên tiến Hệ thống nhúng thông minh và IoT

CNTT: Khoa học Máy tính

CNTT: Kỹ thuật Máy tính

Chương trình tiên tiến Công nghệ thông tin Việt-Nhật

Chương trình tiên tiến Công nghệ thông tin Global ICT

CNTT Việt Pháp

Chương trình tiên tiến Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo

Toán-Tin

Hệ thống thông tin quản lý

3. Nhóm ngành Kỹ thuật Hóa học, Thực phẩm, Sinh học, Môi trường

Kỹ thuật Hóa học

Hóa học

Kỹ thuật in

Chương trình tiên tiến Kỹ thuật Hóa dược

Kỹ thuật Sinh học

Kỹ thuật thực phẩm

Kỹ thuật Môi trường

4. Nhóm ngành Kỹ thuật Vật liệu, Kỹ thuật Nhiệt, Vật lý kỹ thuật, Kỹ thuật Dệt - May

Kỹ thuật Vật liệu

Chương trình tiên tiến Kỹ thuật Vật liệu (Vật liệu thông minh và Nano)

Kỹ thuật Nhiệt

Kỹ thuật Dệt - May

Vật lý kỹ thuật

Kỹ thuật hạt nhân

5. Nhóm ngành Công nghệ giáo dục, Kinh tế - Quản lý, Ngôn ngữ Anh

Công nghệ giáo dục

Kinh tế công nghiệp

Quản lý công nghiệp

Quản trị kinh doanh

Kế toán

Tài chính - Ngân hàng

Chương trình tiên tiến Phân tích kinh doanh

Chương trình tiên tiến Quản lý công nghiệp-Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng

Tiếng Anh KHKT và Công nghệ

Tiếng Anh chuyên nghiệp quốc tế

6. Các chương trình đào tạo quốc tế

Cơ điện tử - ĐH CN Nagaoka (Nhật Bản)

Cơ khí-Chế tạo máy - ĐH Griffith (Úc)

Cơ điện tử - ĐH Leibniz Hannover (Đức)

Điện tử-Viễn thông - ĐH Leibniz Hannover (Đức)

Công nghệ thông tin - ĐH La Trobe (Úc) (Dừng tuyển sint từ 2021)

Công nghệ thông tin - ĐH Victoria Wellington (New Zealand) (Dừng tuyển sint từ 2021)

Quản trị kinh doanh - ĐH Victoria Wellington (New Zealand) (Dừng tuyển sint từ 2021)

Quản trị kinh doanh - ĐH Troy (Hoa Kỳ)

Khoa học máy tính - ĐH Troy (Hoa Kỳ)

Các bạn xem thêm một số website hữu ích: https://study.edu.vn/


Tags: